Câu chuyện thứ 1: Nhớ hồi học lớp 6 mới bắt đầu học tiếng Anh. Hồi đó trong sách có câu hỏi “What do you do in your free time?” (hiểu theo nghĩa tiếng Việt ngắn gọn là: trong một ngày 24 giờ, trừ thời gian đi học, đi làm, đi ngủ, ăn uống, tắm rửa vệ sinh thì thời gian còn lại bạn làm gì?). Nhớ hồi đó trong sách có dạy mấy mẫu câu trả lời kiểu như: watch TV (xem tivi), listen to music (nghe nhạc) hay play games (chơi game)… Đại loại là những thứ mà người khác hay làm để giải trí. Thỉnh thoảng có câu trả lời là read books (đọc sách).
Câu chuyện thứ 2: Hồi đó đi giao hàng với ông anh, ổng hay mở radio trên xe hơi để nghe mấy chương trình làm quen, kết bạn như “Tìm bạn bốn phương”. Kiểu như có một người giới thiệu “Dạ chào mọi người, em là X con nhà ông Y ở tỉnh Z. Em là một người hòa đồng, vui vẻ, sống lạc quan yêu đời và bao dung, thương mến chúng sanh và đồng loại. Sở thích của em là đi du lịch, đi ăn kem. Những lúc rảnh rỗi em thường xem phim, nghe nhạc, chơi game. Em rất mong được làm quen với bạn bè gần xa qua số điện thoại 09xxxxxxxx”. Mình ngồi nghe đâu cũng 5-6 đứa giới thiệu, nhưng mô típ nó cũng na ná vậy, hổng biết tụi nó phải bà con hông. Vì nghe đứa nào cũng thích “xem phim, nghe nhạc, chơi game”.

Nếu xem 1 ngày có 24 giờ là một mảnh vườn thì tôi sẽ chia mảnh vườn đó làm 3 phần:
+ Phần 1 (8 giờ): dành cho công việc, đi làm, văn phòng hoặc đi học đối với học sinh, sinh viên.
+ Phần 2 (8 giờ): dành cho việc ngủ vào ban đêm.
+ Phần 3 (8 giờ): dành cho ăn uống, vệ sinh cá nhân và các việc khác.
Bạn luôn luôn phải có 2 mảnh đất: một mảnh để nuôi sống bản thân (phần 1) và một mảnh để gieo trồng hạt giống, chuẩn bị cho tương lai (phần 3). 1 năm nữa, 5 năm nữa, 10 năm nữa,… bạn sẽ trở thành người như thế nào phụ thuộc vào phần 3 này. 8 giờ của phần 3 sẽ quyết định sự thành công hay thất bại trong tương lai của bạn.
Einstein từng nói: “Điểm khác biệt giữa con người nằm ở khoảng thời gian rảnh của từng người. Thời gian rảnh sau giờ làm sinh ra nhân tài, đồng thời cũng sinh ra kẻ lười biếng, kẻ mê rượu, kẻ cờ bạc. Điều này không chỉ tạo ra sự khác biệt giữa hiệu suất làm việc, mà còn tạo ra sự chênh lệch về mức độ thành công trong cuộc sống”.
Bạn dùng 8 giờ của phần 3 vào việc gì? Ngủ nướng thêm chút nữa, lướt web, xem phim hay đọc sách, gặp gỡ và trò chuyện với những người thành đạt? Một ngày bạn tự nhận ra mình đã dành mấy tiếng đồng hồ cho mấy chuyện tầm phào trên internet như clip đánh nhau, cởi đồ, clip đua xe, tai nạn giao thông, tin giật gân? Bạn vô Facebook của người khác để tò mò xem họ đang làm gì, ở đâu, ăn gì, uống gì hết mấy tiếng? Mấy chuyện đó đem lại lợi ích gì cho bạn trong năm tới? Rồi hôm nay bạn đã học được điều gì mới chưa, hay có quan sát thấy được gì mới chưa? Hay có làm gì để chuẩn bị cho sự nghiệp của mình chưa? Có làm gì để cuộc sống trong tương lai tốt đẹp hơn chưa?
Nếu chưa thì hôm nay bạn đang giậm chân tại chỗ. Sao dợ? Sao bạn hổng chịu đi mà đứng hoài một chỗ dợ?

Rồi một ngày bạn nhận ra những người cùng tuổi với bạn lại giỏi hơn bạn rất nhiều, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Cùng 30 tuổi mà người đã đạt được những thành công nhất định trong sự nghiệp và cuộc sống, còn bạn vẫn đều đều hằng ngày chạy đua với thời gian để kịp giờ bấm vân tay buổi sáng, vẫn lướt Facebook đều đều mỗi ngày trước khi ngủ.
Rồi bạn ngồi nhớ lại ngày nào, đám bạn cấp 3 cùng nhau cúp tiết để đi chơi điện tử, còn tụ tập ăn uống ở mấy quán cóc bên đường, cùng nhau vượt qua các kì thi hóc búa. Nhưng chỉ sau vài năm, người đã ngồi trên đống tiền, có sự nghiệp riêng, người thì vẫn vậy, ôm giấc mộng giàu sang. Nếu bạn nhìn xung quanh, bạn sẽ thấy những người cùng tuổi bạn, một cách âm thầm đang bỏ bạn lại phía sau. Vì trên đường đời, bạn đi quá chậm, còn họ lại tiến bước quá nhanh. Đến lúc đó, bạn và người cùng tuổi chỉ có duy nhất một điểm chung: tuổi tác. Trừ tuổi tác ra bạn và họ không có sự tương đồng nào khác: mức thu nhập, địa vị xã hội, cách nhìn nhận hay quan điểm về một vấn đề.
Khác, khác xa quá.
Rồi bạn sẽ nói: “Tại nó may mắn. Tại cha nó giàu, mẹ nó giàu. Tại nó có điều kiện”. Vậy với những người cùng hoàn cảnh, cùng khởi điểm thậm chí khởi điểm thấp hơn bạn ở 5 năm trước, nhưng hôm nay họ vượt bậc bạn? Lí do rất dễ hiểu là họ chịu làm việc, họ chịu tìm tòi những gì họ cần biết, họ chịu học hỏi những người thành công hơn họ. Trong khi đó thì bạn đang ngủ, đang nhậu nhẹt cùng những người bạn gọi là chí cốt để bàn về thằng A, con B rồi trù tụi nó làm ăn thất bại.
Nếu muốn trở thành đại bàng thì đừng chơi với đàn gà con. Do đại bàng hay bay một mình ở một tầm cao khác. Nó không bay chung với chim sẻ hoặc chen lẫn với ngỗng hay vịt trời. Vì chúng sẽ cản trở độ cao và tốc độ của đại bàng và dần dần sẽ kéo đại bàng xuống trở thành những chú vịt đó.

Ngay từ bây giờ, đừng an nhàn hưởng thụ trong khoảng thời gian lẽ ra bạn phải phấn đấu. Nếu muốn đạt được những điều chưa từng có, bạn phải làm những điều chưa từng làm. Xem phim, Youtube hãy xem như một thú giải trí, đừng dành quá nhiều thời gian. Liệt kê lại xem những việc gì không đem lại giá trị cho bạn trong 6 tháng hay 1 năm, 2 năm tới thì nên hạn chế lại hoặc từ bỏ luôn càng tốt.
Bạn không cần phải vượt qua người khác vì chắc chắn rằng chúng ta không thể bước đều nhau nên người đi trước, người đi sau là một sự thật hiển nhiên. Bạn hôm nay chỉ cần trở thành phiên bản tốt hơn của bạn ngày hôm qua. Sự “tiến hóa” này có thể rất nhỏ trong một ngày nhưng sẽ rất lớn trong một năm.
Một điều khác bạn cũng nên nhìn nhận chính xác là đánh giá đúng vị trí của tiền bạc trong giá trị của bản thân. Nếu bạn còn giữ suy nghĩ “tôi không cần tiền” thì hoặc bạn là một “con cò bé bé” hoặc bạn từ một hành tinh khác tới. Tiền không mua được hạnh phúc, nhưng sẽ mua được những công cụ để tạo ra và duy trì hạnh phúc. “Một túp lều tranh, hai quả tim vàng” là những lúc bình thường. Nhưng nếu đến một lúc con đau, vợ ốm thì chỉ còn một quả, vì quả kia đang nằm ở tiệm cầm đồ. Đúng là “Tôi không cần tiền; nhưng tất cả những gì tôi yêu đều cần tiền” (TS. Alan Phan).
Viết một hồi lang sang chủ đề khác rồi, thôi tạm dừng ở đây vậy.