Sách là một nguồn tài nguyên tri thức vô tận của nhân loại, không ai có thể bàn cãi về vấn đề đó. Nếu như bạn là một fan của Tony Buổi sáng thì bạn sẽ thấy Dượng Tony chia sẻ rất nhiều và có nhiều lời khuyên rằng nên đọc sách. Tiêu biểu trong các bài đăng đó là bức hình trong phòng chờ sân bay chỉ ra rằng người châu Á đa số sử dụng điện thoại hay máy tính bảng trong lúc chờ bay. Trong khi đó thì đa số người châu Âu sẽ đọc sách.
Hôm nay tui sẽ không nói về giá trị của sách như thế nào? Hay tại sao bạn cần đọc sách?… Mấy cái đó là hiển nhiên đúng vì sách cung cấp tri thức, và bạn đang thu nhập tri thức đó từ tác giả đề biến thành của mình. Hôm nay chúng ta sẽ nói về việc: Bạn có thực sự hiểu về việc đọc sách?
Thứ nhất: Đọc sách hay đem theo sách?
Cũng đã lâu rồi (khoảng 8 tháng) tui chưa đọc thêm một quyển sách nào mới. Không phải công việc quá bận rộn, không phải không có tiền mua sách. Đơn giản vì cần một thời gian “nghỉ giải lao” sau một thời gian dài đọc sách trước đó. Và để mình hiểu bản thân mình thực sự cần gì để tìm sách cho phù hợp.
Tôi có một người bạn tên X. X là một thanh niên khôi ngô tuấn tú. X là một “con ruột” của Tony Buổi sáng. X là một người hay đem theo sách bên người. Ở đây tui dùng chữ “hay đem theo sách bên người” chứ không dùng chữ “hay đọc sách”. Vì sao? Vì gần như 100% thời gian tui gặp X nó đều đem theo sách. Những lúc lên lớp thấy nó đem theo cuốn “Trên đường băng”. Hôm sau gặp thì thấy nó đem cuốn “Nhà giả kim”. Bữa sau nữa thì thấy nó đem cuốn “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Tui mới hỏi:
– Ủa mày đọc nhanh vậy? Bộ về nhà mày đọc sách suốt ngày hả?
– Hông – nó trả lời
– Chứ sao mỗi ngày tao thấy mày đem theo 1 cuốn? – tôi hỏi tiếp
– Thì đem vậy đó mà, thích cuốn nào đem cuốn đó – nó đáp lại.
Qua bữa sau chắc nó thấy đem vậy không ổn nên liên tiếp 1 tuần sau đó nó chỉ đem theo cuốn “Trên đường băng”. Tui thấy một “combo đọc sách” quen thuộc của nó là như vầy (do nó ngồi chung bàn tui nên tui thấy thôi chứ không phải tui nhiều chiện à nhen):
Đem sách vào lớp => Giở sách ra đọc => Đọc được 5 phút thì quay qua bạn A bên trái hỏi “Ủa hôm qua làm về mấy giờ?”, “Làm về trễ hả?” => Trò chuyện với A 15-20 phút => Quay lại đọc sách tiếp => 3 phút sau quay sang bạn B bên phải nói “Hôm qua bên nhà tui dzui quá trời, có mấy bạn trên kia xuống nữa” => Nói chuyện với B 10 phút thì giảng viên vào tới => Vô học
Cứ mỗi khi nó có thời gian rảnh thì nó sẽ lôi sách ra, nhưng tui dám chắc mỗi lần như vậy nó không đọc hết 1 trang A4. Xong thì nó đi khoe “Cuốn này tao đọc rồi nè, cuốn này tao cũng đọc rồi nè”. Thấy cuốn nào nó cũng đọc rồi nên tui thấy hoảng hồn. Nhưng hỏi ra thì mỗi sách ảnh đọc đâu được 1,2 trang đầu nên chỉ nhớ mỗi tựa sách. Hên quá, nó hổng đọc nhiều bằng mình. Tại nếu nó giỏi hơn thì tui ăn ngủ không ngon, gặp gà đánh gà, gặp chó đánh chó. Rồi dằn vặt bản thân, trách sao mình vô dụng quá, mình sinh ra trong cõi đời này để làm gì. Rồi hằng đêm nước mắt lăn dài, ướt hết cái gối, chảy sang làm ướt cái iPhone X 30 triệu mới mua hồi chiều.
Thứ hai: Đọc xong áp dụng liền
Có 1 đứa bạn khác cũng học chung trường, chơi cũng kha khá thân vì hay làm bài tập nhóm chung. Hôm đó nó đọc một quyển sách xin giấu tên, nội dung khuyên nên đầu tư vào bất động sản và chứng khoán. Vì theo sách đó nói đây là 2 khoản đầu tư mà giới siêu giàu thường hay áp dụng. Nó mới rủ tui tham gia đầu cơ bất động sản. Bằng cách nào? Hai đứa sẽ hùn vốn lại và mua đất ở Bình Dương vì giá đất hiện tại đang lên cao lắm, nghe nói lên gấp chục lần trong tháng tới. Mà hồi đó sinh viên, tiền đâu ra mà mua đất. Nó nói:
– Mày về mượn cha mẹ tầm 200 triệu đi, đảm bảo ăn chắc. Tháng sau là có 2 tỷ chắc luôn.
Tui chưa biết trời trăng mây gió thế nào, nhưng nghe đâu lời cả chục lần vậy cũng thấy ham lắm. Nhưng tui không tham gia với nó. Tôi mới nói với nó:
– Tao không tham gia với mày được vì:
+ Thứ nhất: tao không có tiền, cha mẹ tao cũng vậy
+ Thứ hai: cuốn sách mày đọc xuất bản cách đây 10 năm rồi. Tức thời đó bất động sản đang hot, còn giờ thì nhiều thằng cũng đọc sách đó nên cũng làm bất động sản trước mày lâu rồi. Chưa kể sách đó ông tác giả người Mỹ, ổng viết là viết cho người Mỹ đọc. Về Việt Nam, người ta mới dịch ra, chứ chưa chắc áp dụng ở Việt Nam đã đúng.
Nói qua nói lại xong nó nói tui chết nhác nên nó tìm người khác làm chung. Không biết nó làm ăn thế nào nhưng đến nay tôi không còn gặp nó nữa.
Câu chuyện trên 99% xạo vì nó chưa xảy ra với tôi. 1% còn lại đúng sự thật vì tôi đã gặp rất nhiều người tin vào sách, tin hoàn toàn. Họ xem những gì viết trong sách là chân lý, là mặt trời chiếu qua tim. Và họ làm theo nó, bất kể nó có phù hợp với họ, phù hợp với môi trường tại nơi họ sinh sống hay không.
Thứ ba: Học thuộc lòng sách
Một thằng bạn khác của tôi nó thuộc một tuýp đọc sách khác. Nó trái ngược nhóm thứ nhất. Nó đọc rất nhiều. Nhưng không phải đọc nhiều sách mà là đọc một cuốn rất nhiều lần. Đọc xong nó chuyển qua nghe audio cuốn sách đó. Nghe đi nghe lại như nghe nhạc Ưng Hoàng Phúc vậy. Nghe riết nó thuộc. Xong nó tự hào vỗ ngực nói với tui:
– Ê mày, tao ít khi nào đọc sách lắm. Mà mỗi lần tao đọc là tao thuộc lòng cả cuốn luôn. Giờ mày hổng tin đúng hông? Tao kể từ đâu tới đuôi cuốn sách đó cho mày nghe.
– Ừ, kể đi – tôi đáp gọn lỏn.
Nó ậm ừ, trách móc tôi:
– Trời, cuốn đó nổi tiếng thế giới vậy mà mày hổng biết còn bắt tao kể hả? Nó dài lắm, tao kể tới sáng chưa xong. Mà mày nên đọc cuốn đó đi, chứ kể nghe hết hay rồi.
Vậy đó, đòi kể cũng nó mà đòi không kể cũng nó. Mà thôi tui cũng mặc kệ. Xong tui mới hỏi nó tiếp:
– Mày nghe nhiều vậy, thuộc vậy rồi thì mấy thấy cuốn sách đó có gì hay hông? Có cái gì xài được hông?
– Có chứ – nó nhanh nhảu – nhiều lắm mày.
– Kể tao nghe thử vài cái coi – tui nói tiếp
– À thì nó nhiều lắm, tao cũng hổng biết kể cho mày nghe cái gì nữa – nó nói tiếp (hoặc đại khái một câu trả lời khác mang tính chung chung không xác định, vô thưởng vô phạt).
Tui biết cũng có nhiều người vậy ak. Họ học sách, học thuộc như thuộc Sử, thuộc Địa vậy. Chứ hỏi ra thì mập mờ về những điều mình có thể rút ra, tóm gọn và áp dụng được thực tế. Đối với tui, việc đọc sách để thanh lọc tâm trí và biến nó thành kiến thức THỤ ĐỘNG. Tức bạn kêu tui nhắc lại những gì viết trong cuốn sách tui không nhớ đâu. Nhưng tui sẽ làm cuộc sống của tui tốt đẹp hơn nhờ những gì cuốn sách đó dạy. Hoặc một ngày nào đó tui bật miệng thốt lên một điều hay nào đó trong cuốn sách đó, mà bản thân tui cũng không nhớ được. Giống như câu chuyện về giỏ đựng than vậy.
Thứ tư: “Anh đọc sách gì? Chỉ tôi đọc với?”
Hồi còn học đại học năm 3, trong một lần tham gia chiến dịch Tiếp sức mùa thi của trường, tôi có quen một anh. Qua trò chuyện thì thấy anh này cũng thích đọc sách nhưng cũng mới ở giai đoạn đọc cuốn sách đầu tiên. Nói chuyện với ảnh một hồi thì ảnh sẽ quay qua hỏi mình:
– Em thường đọc sách gì? Chỉ anh đọc với.
Lúc đó tôi cũng thật thà kể mấy tên sách mình thường đọc cho ảnh nghe. Xong ảnh mới nói:
– Mấy cuốn sách đó nghe tên chán òm vậy? Có cuốn nào hay hơn hông?
Mình mới lúng túng không biết trả lời thế nào vì trước giờ mình toàn đọc thể loại sách như vậy, thấy hay mà sao ổng nói chán òm. Nên thôi, từ đó không bàn luận với ổng về mấy thể loại sách nữa. Lòng buồn rười rượi.
Giờ nghĩ lại thì hồi đó mình khờ thiệt, mắc gì buồn. Sách mình thích thì mình đọc, người khác không thích thì không đọc. Sở thích thì không có đúng sai nên mỗi người tự chọn cho mình những thể loại sách mà mình thấy hứng thú.
Sau này khi có người hỏi tui câu “Anh thường đọc sách gì? Chỉ tui đọc với” thì tui thường trả lời: “Em đọc mấy sách tào lao không hà anh ơi, em cũng hổng có nhớ tên nữa”. Rồi lảng sang chuyện khác.
Thứ năm: Dành cả tuổi thanh xuân chỉ để đọc sách
Gần nhà tui có thằng ku em mới học đại học năm nhất. Có lần tui qua nhà nó chơi thì thấy nó đang nằm đung đưa trên võng, tay cầm một cuốn sách. Trong lúc đó thì cha nó đang hì hục cuốc đất đằng trước nhà trồng mấy cây đu đủ, mẹ nó thì mới đi chợ về, đang làm cá. Mẹ nó kêu xuống phụ lặt rau thì nó nói: “Con đang học bài”. Tui mới hỏi nó:
– Sao em hổng xuống phụ mẹ đi, sách này chút nữa đọc cũng được mà.
– Mấy cái đó mẹ em làm được anh ơi. Em tranh thủ đọc xong cuốn này, hay lắm. Đọc xong em còn đọc mấy cuốn khác nữa. – Nó hồn nhiên trả lời.
Một thằng bạn khác của tui nó muốn tự kinh doanh. Tui mới hỏi nó là đã chuẩn bị gì chưa vì tui biết trước giờ nó làm bên kỹ thuật, cũng chưa kinh doanh trước đây bao giờ. Nó mới nói:
– Tao đọc hết mấy sách viết về kinh doanh rồi. Tưởng gì phức tạp chứ cũng dễ ẹt.
Tui mới hỏi tiếp là vốn liếng thế nào thì nó phán tiếp:
– Mày hổng biết cuốn “Bí quyết từ tay trắng thành triệu phú” hả? Tao cũng sẽ như vậy, từ tay trắng trở thành triệu phú.
Tôi mới cười. Một nụ cười khả ái và ngây ngất lòng người. Chắc nó đọc sách nhiều quá nên bị cuốn vào thế giới của các tác giả. Nó cứ tưởng rằng chỉ cần đọc sách là có thể làm được mọi thứ chứ không cần thêm gì khác. Không cần thêm kinh nghiệm, không cần thêm ý kiến, đánh giá. Không cần thêm vốn liếng đầu tư. Vì theo nó “từ tay trắng sẽ trở thành triệu phú nếu như chúng ta có niềm tin và theo đuổi đến cùng”.
Sẵn tiện nói về mấy sách “bí quyết” hay “làm giàu”. Tui không chê bai sách nào hay tác giả nào vì tui chưa đủ trình độ để đánh giá họ. Tui chỉ nói theo quan điểm cá nhân của mình. Khi “bí quyết” hay “bí mật” được chia sẻ rộng rãi và in thành sách bán toàn cầu thì không còn là “bí quyết” hay “bí mật” nữa. Nên đọc thì đọc cho vui vậy, có xài gì được thì xài, hem nên tin quá.
Một điều nữa là sách “làm giàu” theo tui thấy cũng chia thành 2 loại:
+ Loại 1: dùng cho teen. Tiêu đề tiêu biểu như: “Bí quyết…. bạc tỷ”, “Bí quyết từ tay trắng thành xxx”,… Mấy sách này chủ yếu tạo động lực làm giàu cho các bạn teen. Hơi phi thực tế và có nhiều yếu tố mang tính ngây ngô của tuổi mới lớn.
+ Loại 2: dùng cho mãn teen. Tiêu đề sẽ ít các từ “bí quyết” hơn mà có thể là một tiêu đề chẳng liên quan gì đến “làm giàu”. Mấy cuốn này theo tui thấy thực tế hơn, nhưng cần có “nội công thâm hậu hơn” mới đọc nổi. Và khi đọc cần hiểu rõ bản chất của vấn đề mà sách nói tới, đừng hiểu theo những câu từ mà sách viết.
Nên sử dụng sách thế nào?
Sử dụng sách thế nào là tùy ở mỗi người, không có đúng, không có sai. Mục đích cuối cùng của việc đọc sách là để tiếp thu tri thức, để từ tri thức trong sách biến thành những tri thức ngoài đời và từ đó trở thành tri thức và kinh nghiệm của bản thân. Một người đọc sách tốt không phải lúc nào cũng khư khư sách bên mình và để khoe với mọi người về việc mình đang đọc sách. Một người đọc sách tốt cũng không phải là người đọc cả hàng trăm, hàng ngàn quyển để rồi chẳng sử dụng được gì. Khi đó thì cũng chỉ là một kẻ nô lệ của sách.
Đọc sách, bạn có thể cười ha hả cũng được hay khóc hu hu cũng được, chẳng ai có quyền cấm. Đọc xong nhớ cũng được, mà quên cũng được. Cốt để tâm hồn được thanh lọc, đầu óc được mở mang, con người trở nên hào sảng, rộng lượng. Đừng là con mọt sách, đọc rất nhiều nhưng rác vẫn xả ngoài đường, hỗn láo với cha mẹ, trong lòng thì vẫn Chu Du, ganh ghét người khác. Đọc sách đương nhiên quan trọng, nhưng cách đối nhân xử thế còn quan trọng hơn nhiều.
Bản thân mỗi chúng ta thích đọc sách cũng được, không đọc sách cũng được. Đừng bao giờ nghĩ rằng vì bản thân mình không đọc nhiều sách mà cảm thấy xấu hổ. Mỗi con người chúng ta là một quyển sách với nhiều kiến thức, kinh nghiệm khác nhau. Con người có thể đọc ít làm nhiều. Có nhiều người làm được rất nhiều việc, tất nhiên thời gian mỗi người chỉ có hạn mà thôi. Cuộc đời cũng giống như một cuốn sách, lật qua là quên.
Sách từ kiến thức và kinh nghiệm thực tế mà ra, cuối cùng những kiến thức, kinh nghiệm trong sách cũng quay lại để giúp đỡ con người làm tốt hơn những việc trong thực tế. Nên mình chỉ cần hiểu vòng xoay đó thì sẽ biết sử dụng sách như thế nào.
Mua một em kindle copy 40 ebook theo sở thích vào đó, và tận hưởng thôi 🙂 mình đang làm như vậy, chứ cầm sách giấy giờ khó đọc được lắm
Hi bạn, mình nghĩ cũng có nhiều bạn thích cảm giác lật từng trang sách như mình 🙂